18/06/2021

5 sai lầm cần tránh khi mở quán cà phê ở tỉnh

So với thành phố lớn với mật độ dân số đông và phân lớp khách hàng rõ ràng, tại các tỉnh, mật độ dân số thưa thớt hơn, phân bổ rộng và nhu cầu đến quán cafe đa dạng hơn. Do đó, việc mở quán cafe ở tỉnh cũng sẽ có đặc thù riêng biệt. Nếu chủ quán là non kinh nghiệm, rất dễ mắc phải những sai lầm không đáng có khi mở quán cà phê ở tỉnh.

Trong bài viết này, Toong Center sẽ cùng bạn đi phân tích về những sai lầm thường gặp của chủ quán khi lựa chọn kinh doanh mở quán cà phê ở thị trường này nhé.

 

Không nghiên cứu kỹ thị trường

 

Nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu là điều quan trọng mà chủ quán cần làm trước khi kinh doanh bất cứ tại khu vực nào cho dù tại tỉnh hay thành phố lớn. Bạn cần nghiên cứu kỹ về thói quen, sở thích “đi cà phê” của người dân địa phương để có thể xây dựng được mô hình kinh doanh và lên được menu phù hợp.

Thói quen và sở thích của khách hàng tại tỉnh rất khác biệt so với các thành phố lớn. Mật độ dân cư của tỉnh kém tập trung hơn, khách hàng không có thói quen thường xuyên “đi cà phê” như tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, khách hàng “đi cà phê” tại tỉnh cũng đa dạng đối tượng hơn và thường không tập trung vào một nhóm cố định như học sinh/sinh viên hay dân văn phòng.

Một số chủ quán cà phê thành công ở tỉnh chia sẻ rằng, họ phải làm phong phú menu của họ lên để tận dụng khách hàng mục tiêu và sự đa dạng của khách để có thể dễ dàng phát triển. Vì dân cư không tập trung và sự đa dạng đó, nên nếu đi theo hướng tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định sẽ rất khó thành công.

Bên cạnh thói quen của khách hàng, bạn cần đánh giá đồng thời về những vị trí mà bạn sẽ lựa chọn mở quán. Liệu tỷ lệ % số lượng người dân xung quanh đến quán là bao nhiêu? Với số lượng này liệu có tiềm năng cho quán của bạn hay không?

Chúng ta hãy lấy một ví dụ, ví dụ khu vực bạn mở quán có A người thì không phải 100% của A người sẽ đi uống café. Chỉ có 50% của A có thói quen đi uống café. Vậy là chỉ có khoảng 20% trong số 50% đó là tệp khách hàng của bạn. Và 20% đó sẽ phải san sẻ cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tệp khách của bạn. Vậy tính ra bạn còn lại được bao nhiêu % khách hàng từ mức dân số A trên địa bàn mình?

Vậy nên, không phải khu vực đông dân cư là có tiềm năng, bạn cần xem xét cửa hàng của bạn phù hợp với bao nhiêu % lượng dân số trong khu vực đó. Càng nghiên cứu kỹ khách hàng mục tiêu của bạn là ai, thói quen của họ là gì,... thì bạn càng có phần thắng lớn hơn khi tham gia vào thị trường.

 

Vốn đầu tư thấp

 

Thông thường, mặt bằng quán cà phê ở tỉnh thường khá rộng. Quỹ đất rộng vừa là thời cơ cũng vừa là thách thức khi chủ quán bắt tay vào mở quán cà phê ở tỉnh. Lợi thế chính là việc chủ quán có thể lựa chọn nhiều mô hình hơn nhưng thách thức sẽ là vốn đầu tư phải dày để có thể tận dụng được hết diện tích mặt bằng mở quán.

Ví dụ: nếu bạn có vốn 500 triệu, đầu tư cho 100m2 đất chắc chắn sẽ tốt hơn là đầu tư 500 triệu cho 300m2 đất.

Khi sở hữu quỹ đất rộng, chủ quán cũng cần vốn dày để đầu tư ban đầu cho quán. Tuy nhiên, nếu vốn đầu tư thấp, chủ quán nên lựa chọn các khu vực có diện tích nhỏ hơn và chú trọng vào thiết kế concept cho phù hợp, tránh vốn thấp nhưng đầu tư dàn trải.

 

Mất chi phí cơ hội

 

Lại ví dụ tiếp, với 300m2 đất, bạn chỉ xây dựng quán diện tích 100m2 với 500 triệu, sau đó bạn cắt lại 200m2 cho thuê. Như vậy, bạn đã có quán đẹp, công suất đủ dùng, “túc tắc” lúc nào cũng có khách ngồi. Mặt khác, một tháng bạn lại có thêm một khoản thu về từ việc cho thuê 200m2 đất kia.

Nếu đầu tư hết 300m2 đất mà công suất không sử dụng hết, bạn đã lãng phí cả phần chi phí cơ hội mà đáng lẽ bạn sẽ có thể thu được từ 200m2 đất.

 

Menu quán thiếu ấn tượng và thiếu món đặc trưng

 

Menu là linh hồn của quán cà phê. Thông qua menu, bạn có thể thể hiện tới khách hàng tầm nhìn và chủ đề của quán. Menu sáng tạo và có điểm nhấn giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định khi lựa chọn món. 

Để có được một menu ấn tượng, bạn cần chú ý đến: đối tượng khách hàng bạn phục vụ, mô hình quán và sau đó tiến hành lên ý tưởng về số lượng món, món điểm nhấn của quán sao cho phù hợp. 

Chất lượng đồ uống và dịch vụ là yếu tố then chốt để giữa chân khách hàng không chỉ tại các thành phố lớn, khách ở tỉnh cũng tương tự như vậy. Bạn không chỉ cần chú trọng đến việc xây dựng menu sao cho hấp dẫn mà còn đảm bảo chất lượng đồ uống đồng nhất, hợp khẩu vị với khách hàng địa phương.

Rất nhiều chủ quán ở tỉnh lên một menu rất dài với mong muốn bán được cho càng nhiều khách hàng với đa dạng nhu cầu càng tốt. Tuy nhiên, điều này vô hình chung khiến khách hàng thấy bối rối và không biết nên lựa chọn món nào. Vừa tiêu tốn thời gian order của khách lại dễ khiến khách chọn nhầm món hay gọi “đại” món rẻ nhất, ảnh hưởng đến doanh thu.

Do đó, thay vì một menu dàn trải thiếu điểm nhấn, gây bối rối cho khách, hãy tinh giản menu ngắn gọn hơn, có điểm nhấn và ấn tượng hơn. Một số gợi ý từ bài viết menu có bao nhiêu món là đủ sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn.

Xem thêm: Cách lên menu cho quán cà phê phù hợp và hiệu quả

 

Nhân sự và quy trình vận hành thiếu chuyên nghiệp

 

Tận dụng nhân sự tại địa phương và không đầu tư đào tạo sẽ dẫn đến những hệ lụy khi quán đi vào hoạt động như nhân sự phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chậm chạp, thái độ không tốt,... Trên thực tế, cho dù bạn phục vụ cho phân khúc khách hàng nào tại quán cafe thì việc đào tạo nhân sự là điều cần phải được thực hiện.

Việc tuyển dụng, đào tạo và vận hành cần thời gian, sự kiên nhẫn. Để hỗ trợ cho điều này một cách thuận lợi, bạn nên xây dựng một quy trình làm việc “mượt mà”, hiệu quả, sát với mô hình quán. Nếu không thể tự thực hiện bài bản, hãy mời những chuyên gia giàu kinh nghiệm, họ sẽ giúp bạn.

 

Không thực hiện truyền thông cho quán cà phê

 

Việc truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt khi bạn mở quán cà phê ở tỉnh, khách hàng có xu hướng không tập trung, lượng khách hàng vãng lai sẽ thấp hơn so với tại khu vực thành phố.

Bạn nên lên kế hoạch truyền thông cho quán trước ít nhất 3 tháng trước khi đi vào hoạt động. Từ việc nghiên cứu khách hàng của bạn thường xuyên tương tác trên những kênh truyền thông nào như Facebook, Group hay Tiktok, Instagram,... đến những nội dung và chương trình ưu đãi bạn sẽ triển khai trước và sau khi mở quán.

Đừng quên đồng nhất nhận diện từ offline đến online để khách hàng dễ dàng ghi nhớ quán. Bên cạnh đó bạn có thể thêm địa điểm của quán trên Google Map để khách hàng dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm hơn.

Xem thêm: 5 chiến thuật marketing cho quán vừa và nhỏ

Hy vọng với những chia sẻ trên, Toong Center sẽ giúp bạn phần nào bớt khó khăn khi mở quán cà phê ở tỉnh. Để mở quán cà phê thành công không phải việc đơn giản, bạn cần thực sự phải hiểu toàn diện từ kinh doanh, quản lý nhân sự, vận hành đến lên menu món và pha chế. Nếu cần một đơn vị tư vấn mở quán giàu kinh nghiệm, bạn hãy liên hệ Toong Center hoặc tham khảo tại đây nhé!

Bài viết liên quan

scrolltop